Luật Bảo vệ môi trường đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường), đồng thời quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành. Đây cũng là lần đầu tiên, luật đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn nhằm khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn chưa đảm bảo yếu tố môi trường. Luật hướng tới yêu cầu người dân phân loại rác thải, dựa vào mức thu phí từ cao xuống thấp, thay đổi thói quen của người dân trong bảo vệ môi trường.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều điểm mới. Trong đó, tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực như giao thông đường bộ, điện lực, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, báo chí, kinh doanh bất động sản với mức phạt lên đến 500 triệu đồng. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; bổ sung hình phạt tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng và điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Luật Phòng, chống ma túy cũng thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp. Cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp. Cho phép cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của luật được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua.